Ikebana - Nghệ thuật cắm hoa đạo đến từ Nhật Bản

Hoa nghệ thuật - 03/01/2020 | By admin

Bên cạnh kịch Noh, Trà đạo, Origami, Nhật Bản còn sở hữu nghệ thuật cắm hoa nổi tiếng thế giới Ikebana. Nếu như các quốc gia khác ưa thích hình thể và màu sắc của các bông hoa thì người Nhật lại chú trọng vào đường nét. Cùng tìm hiểu nghệ thuật cắm hoa độ

Ikebana - Khi sự tinh tế trở thành Nghệ Thuật:

Ikebana - Khi sự tinh tế trở thành Nghệ Thuật
Sư tinh tế trong cách cắm hoa đã trở thành một nét Nghệ Thuật trong văn hóa Nhật Bản

Ikebana trong tiếng Nhật vốn bắt nguồn từ hai chữ “Ikeru” (sống) và “Hana” (hoa), có ý nghĩa “truyền sinh khí cho hoa” hay còn gọi là “hoa đạo”. Với cái tên đẹp như vậy, Ikebana không chỉ đơn thuần là nghệ thuật cắm hoa mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về mặt tinh thần, đạo đức và xã hội. Vì Ikebana đòi hỏi về mặt tinh thần cũng nhiều như sự tinh tế về tính thẩm mỹ, nên người cắm hoa phải thật toàn tâm toàn ý thì mới có thể bày tỏ lòng trân quý sâu sắc của mình đối với vẻ đẹp của tự nhiên. Chính vì vậy, Ikebana không chỉ là một hình thức nghệ thuật có thể tự do thể hiện mà còn là một trong những phương pháp rèn luyện tính cách thanh lịch và phong nhã. Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, Ikebana vẫn cho phép sự tự do sáng tạo và thể hiện nhưng vẫn phải tuân theo những ràng buộc về nguyên tắc và hình thức vốn bắt nguồn từ một truyền thống lịch sử lâu dài. Chính nhờ sự lưu truyền của những quy tắc và giới hạn này mà người cắm hoa Ikebana ngày nay cần phải nỗ lực thêm rất nhiều thì mới có thể “đắc đạo” Ikebana.

Nguồn gốc và lịch sử:

Ikebana nét văn hóa biểu trưng của người Nhật
Ikebana vốn bắt nguồn từ phong tục dâng hoa cho bàn thờ Phật ở Nhật Bản và từ đó trở thành một biểu trưng trong văn hóa người Nhật.

Ikebana vốn bắt nguồn từ phong tục dâng hoa cho bàn thờ Phật ở Nhật Bản. Khi du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc đại lục khoảng năm 538, Phật giáo đã nhanh chóng được tiếp nhận trong mọi lĩnh vực đời sống, từ hệ thống niềm tin cho đến lối sống, văn hóa nghệ thuật. Trong thế kỷ 13 và 14, khi Phật giáo đã lan truyền rộng rãi ở Nhật thì việc xây một hốc tường kiến trúc trong nhà để phục vụ việc thờ cúng đã trở nên phổ biến. Những hốc tường này, gọi là Tokonoma, ban đầu được dùng để treo hình tượng Phật và đặt hoa cúng. Tuy nhiên, theo thời gian, Tokonoma ngày càng ít liên quan đến tôn giáo và bắt đầu mang tính trang trí nhiều hơn. Tranh vẽ, cuộn thư pháp và đồ cổ dần dần thay thế cho các hình tượng Phật và chiếm lĩnh Tokonoma. Cuối cùng việc cắm hoa trong hốc tường đã phát triển thành một loại hình nghệ thuật và mất dần liên kết với tôn giáo ban đầu của mình. Lúc bấy giờ, Tokonoma bắt đầu được xem là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật và đóng vai trò là “trung tâm của ngôi nhà”. Nét quyến rũ của hoa cắm trong Tokonoma theo từng mùa cũng dần được gia chủ quan tâm và chăm chút nhiều hơn, với mục đích thu hút sự ngưỡng mộ của khách đến thăm nhà.

Thực hành Ikebana

Ikebana tinh tế trong từng đường nét
Ikebana đề cao hình dáng tổng thể, đường nét và hình thức sắp xếp.

Khác với nghệ thuật cắm hoa phương Tây, Ikebana không đặt trọng tâm vào việc thu thập và sắp xếp hoa nhiều màu sắc, mà thay vào đó là những bộ phận ít dùng đến như thân, cành và lá. Ikebana đề cao hình dáng tổng thể, đường nét và hình thức sắp xếp. Thẩm mỹ tối giản cũng thường được áp dụng trong Ikebana. Đây là phương thức dùng một số lượng hoa tối thiểu để tạo ra những thiết kế đơn giản mà thanh lịch. Theo hình học tam giác, cắm hoa Ikebana thường có ba điểm chính, tượng trưng cho Trời – Đất – Người hoặc Mặt trời – Mặt trăng – Trái đất. Vì Ikebana bao gồm cả khía cạnh tinh thần nên các học viên Ikebana được yêu cầu phải giữ im lặng trong khi cắm hoa. Sự im lặng có thể giúp người cắm nhận thức sâu sắc hơn những nét đẹp của tự nhiên mà thường bị bỏ qua trong cuộc sống hối hả và bận rộn. Thông qua Ikebana, con người cũng cảm thấy gần gũi hơn với thiên nhiên và học cách trở nên kiên nhẫn, khoan dung với những ý kiến khác biệt. Ngoài ra, Ikebana còn được xem như là một cách để thư giãn trí óc, cơ thể và tâm hồn.