Hương vị cafe 3 miền

Cafe - Bakery - 18/02/2020 | By admin

Việt Nam có một nền văn hóa thưởng thức cà phê đặc sắc. Người Việt tự hào với câu chuyện thưởng thức cà phê của mình vì những ly cà phê gắn liền với lịch sử, văn hoá tới cách uống khác nhau, mang một phong thái riêng, vừa gần gũi lại vừa đặc sắc trong từng vùng miền.

Con đường du nhập vào Việt Nam của cà phê

Trở lại câu chuyện vào những năm thế kỉ XIX, những cây cà phê đầu tiên theo chân thực dân Pháp du nhập vào Việt Nam. Giống cây trồng chủ yếu ở Việt Nam lại là giống hạt Robusta với đặc trưng đậm, đắng cũng là khởi đầu ảnh hưởng tới gu thưởng thức cà phê của người Việt. Những giai đoạn đầu đó, cà phê như một thức uống xa xỉ chỉ dành cho giới quý tộc Pháp hay tầng lớp dân trí cao nơi thành thị. Sau năm 1975, cây cà phê ở Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh tại các tỉnh Tây Nguyên và dần dần cà phê trở thành thức uống phổ biến trong cuộc sống người dân. Từ những năm 1990 tới nay, sau những biến động thăng trầm của lịch sử, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 Thế Giới chỉ sau Brazil, tập trung vào xuất khẩu giống Robusta và tạo dựng được một nét văn hoá rất riêng biệt về cách thưởng thức cà phê độc đáo qua từng vùng miền.

Văn hóa cà phê 3 miền Việt Nam
Văn hóa cà phê 3 miền Việt Nam

Cà phê Hà Nội – Cà phê trứng và thú vui thanh nhã người dân đất Bắc

Có lẽ chỉ cần cái tên gọi thôi cũng đã khác nhau giữa cà phê Hà Nội và cà phê Sài Gòn. Người Hà Nội có cà phê nâu, còn người Sài Gòn có cà phê sữa đá. Dạo quanh các hàng cà phê tại Hà Nội, chủ yếu là những người trung niên cho đến lớn tuổi thưởng thức cà phê trong cái tiết trời se lạnh vào buổi sáng sớm. Họ bình thản nhâm nhi ly cà phê cùng những câu chuyện đang kể còn dang dở.

Văn Hóa cà phê Hà Nội vì đó mang chút gì nhẹ nhàng, chậm rãi, cổ kính như chính thủ đô. Người ta bảo cà phê Hà Nội chẳng vội vàng, không mang hương vị quá đậm đà nhưng cũng chẳng loãng. Các du khách khi đến Hà Nội, có thể cảm nhận được những nét đẹp cổ từ phố phường cho đến cách thưởng thức cà phê, con người nơi đây vẫn trung thành với chiếc phin cà phê bằng thiếc giản dị. Người Hà Nội coi việc chờ đợi, nhìn ngắm từng giọt cà phê tí tách rơi như một thú vui tao nhã. Chẳng cần vội vàng, ly cà phê khi pha xong giống như phần thưởng xứng đáng cho sự kiên trì chờ đợi của người thưởng thức.

Một sáng cà phê của người phố cổ
Một sáng cà phê của người phố cổ

Hà Nội là nơi sản sinh ra cà phê trứng – thức uống khiến mỗi tín đồ cà phê lần đầu thử đều trầm trồ cảm thán. Còn gì tuyệt hơn khi ngồi nhìn ngắm thành phố nghìn năm, đắm mình trong khung cảnh phố phường ấy, nhấp một ngụm cà phê trứng thơm ngon. Cà phê trứng là sự hòa quyện vô cùng tinh tế giữa vị béo ngậy của trứng gà tươi, lớp bọt sữa ngọt ngào chẳng làm mất đi vị đắng, vị chua của hạt cà phê. Vị cà phê chẳng đắng gắt, không còn vị tanh của trứng, chỉ còn lại sự kết hợp hoàn hảo nơi đầu lưỡi. Cà phê trứng là thức uống thể hiện rõ nhất của văn hóa cà phê Hà Nội, chẳng ồn ào nhưng vẫn khiến người ta nhớ mãi không quên

Cà phê trứng – Nét riêng cà phê Hà Nội
Cà phê trứng – Nét riêng cà phê Hà Nội

Sài Gòn cà phê sữa đá

Sài Gòn – “Thành phố trẻ”, một đô thị năng động, sầm uất với nhịp sống hối hả. Người Sài Gòn yêu cà phê và yêu thích sự tiện lợi, vậy nên bạn có thể bắt gặp người ta thưởng thức cà phê ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời gian nào, già trẻ đến gái trai, từ nhà hàng sang trọng đến lề đường vỉa hè đều có thể tìm được 1 ly cà phê sữa đá. Người Sài Gòn xem quán cà phê là điểm làm việc, hẹn hò lý tưởng.

Hương vị cà phê Sài Gòn có phần đậm ngọt hơn ở Hà Nội, món được yêu thích nhất phải kể đến như cà phê sữa đá, bạc xỉu nhiều sữa,… Ngồi vỉa hè uống cà phê sữa đá cũng là một nét đặc trưng trong văn hóa cà phê Sài Gòn.

Cà phê sữa đá Sài Gòn thơm nồng
Cà phê sữa đá Sài Gòn thơm nồng

Sắc màu Tây Nguyên trong ly cà phê sóng sánh

Không giống Hà Nội hay Sài Gòn, cà phê Buôn Ma Thuột được nhắc đến nhiều hơn ở hương vị thay cho cách thưởng thức. Người dân ở đây còn có hiểu biết về cà phê và có gu nhất định.

Các quán cà phê ở nơi đây hầu hết được thiết kế theo phong cách hướng về thiên nhiên, xung quanh được trồng những cây cà phê, hay cà phê ở những nhà sàn của người dân tộc Ê-đê, tạo nên một cảm giác vừa uống cà phê vừa đắm mình vào không gian buôn làng, mang đậm hơi thở núi rừng Tây Nguyên.

5

Nếu có dịp đến đây, bạn nhất định phải thưởng thức những loại cà phê đặc biệt như cà phê chồn, cà phê voi… Nó tạo nên một nét khác biệt cho vùng đất đỏ bazan.