Văn hóa thưởng thức cà phê xưa – nay của người Việt

Cafe - Bakery - 08/01/2020 | By THAOTTN

Cà phê xuất hiện trong xã hội Việt Nam từ khi thực dân Pháp biến Việt Nam thành thuộc địa. Từ miên viễn quá khứ, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay cà phê vẫn có chỗ đứng trong đời sống của người Việt. Nét văn hóa thưởng thức cà phê của người Việt cũng có nhiều biến chuyển theo sự phát triển từng ngày của xã hội. Cùng tìm hiểu xem nét cà phê xưa và nay có gì thú vị.

Những năm 80 của thế kỷ XIX, người Pháp xâm lược Việt Nam và mang theo nhiều nét văn hóa phương Tây vào thuộc địa. Người Việt làm quen với cà phê từ dạo đó. Thứ thức uống đen sánh, nhấp môi có vị đắng, đầm và khiến người ta khoan khoái sau khi uống được giới quan chức, quý tộc phong kiến lúc bấy giờ ưa chuộng. Có thời gian, uống cà phê còn là thước đo sự sành điệu, đẳng cấp của một người. Nhiều thiếu niên giai đoạn trước còn nghĩ uống được cà phê là minh chứng cho việc mình “đã lớn”.

Vùng đất Tây Nguyên được khai phá để trồng cà phê và trở thành vùng trồng cà phê lớn nhất nước với những loại cà phê có chất lượng ngon hàng đầu. Cà phê Việt Nam không chỉ biết đến về sản lượng đứng trong top đầu thế giới mà còn tạo dựng được các thương hiệu cà phê rất riêng của người Việt. Arabica và Robusta là hai loại cà phê được sử dụng và trồng phổ biến ở Việt Nam.

Những hình ảnh quen thuộc trong văn hóa uống cà phê của người Việt

Tìm Lại Nét Cà Phê Xưa

Cà phê “cóc” trở thành một hình ảnh quen thuộc với các thế hệ 7x, 8x Việt Nam. Các quán cà phê này luôn ở các góc đường hoặc nép mình khiêm tốn trên các vỉa hè với những bộ bàn ghế nhỏ nhắn vừa đủ ngồi. Có thể vì thế mà chúng được gắn cho tên gọi là “cà phê cóc”.

Tại nhiều con đường ở Sài Gòn, Hà Nội lúc bấy giờ, không khó bắt gặp những quán cà phê không tên, vài chiếc ghế gỗ con xếp ngẫu hứng đủ cho người ta ngồi hoặc lấy làm bàn để đôi ba ly cà phê. Dù là ở những góc phố yên tĩnh hay bên những con phố xe cộ lại qua thì khi ngồi bên ly cà phê, người ta bỗng hóa trầm ngâm, suy tư đến lạ lùng.

Quán cà phê cóc là hình ảnh quen thuộc trong nếp sống người Việt

Người Hà Nội ưa chuộng những ly cà phê pha phin đậm đặc. Cà phê ngon với người Hà thành phải là những ly cà phê pha trong phin được vặn chặt. Nhiều người còn muốn cà phê được ngấm đều nên tỉ mỉ múc từng muỗng nước sôi cho vào phin. Cà phê pha phin đến ngày nay vẫn tồn tại và được nhiều người bình chọn là một cách pha cà phê ngon. Người Hà Nội có cách gọi tên cà phê gần gũi – “nâu” và “đen”. Khi vào quán, nếu muốn uống cà phê sữa đá bạn sẽ gọi thành “nâu đá”, muốn nhấp nháp ly cà phê đen thì gọi là “đen” hoặc “đen đá”.

Ở Sài Gòn, cách pha cà phê có phần khác hơn. Người ta để cà phê vào túi vải mỏng được làm như một chiếc vợt nhỏ rồi cho vào ấm bằng đất nung, chế nước sôi vào như pha trà. Khoảng mươi phút, cà phê trong ấm đất được cho sang một chiếc ấm nhôm và để đun trên bếp than trước khi rót cho khách. Cách pha cà phê này được người dân Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ gọi là pha cà phê vợt.

Những quán cà phê pha vợt ít ỏi ở thành phố Hồ Chí Minh

Tiếc thay, ngày nay cách pha cà phê vợt như thế hầu như không còn được phổ biến. bạn chỉ có thể tìm thấy cách pha độc đáo này ở một số quán cà phê theo phong cách “hoài cổ” ở thành phố Hồ Chí Minh. Song, không gian thưởng thức cà phê vợt đã thay đổi nên hương vị cà phê cũng không còn được trọn vẹn như xưa.

Người Việt Ngày Nay Uống Cà Phê Ra Sao?

Đầu những năm 2000, các các hình thức kinh doanh cà phê có nhiều thay đổi. Người ta bắt đầu chuộng các quán có internet, nhạc và đầu tư thêm về không gian quán. Cà phê cóc dù vẫn tồn tại nhưng đã nhường lại chỗ đứng số 1 ban đầu cho những hình thức khác. Cà phê xe đẩy (take a way) có thể xem là một hình thức cải tiến từ cà phê cóc.

Những quán nước vỉa hè nép mình lặng lẽ trước sự phát triển của hàng loạt các mô hình mới.

Người phương Tây uống cà phê trong những lúc cần tỉnh táo và tập trung giải quyết công việc. Người Việt có thể uống cà phê vào bất kì thời điểm nào trong ngày. Động ngữ “đi cà phê” với người Việt giờ đây không chỉ gói gọn trong việc đến quán thưởng thức cà phê. “Đi cà phê” còn bao gồm luôn cả nghĩa đi gặp bạn bè, đi làm việc,… Nhiều mô hình kinh doanh cà phê ra đời như cà phê sách, cà phê văn phòng, cà phê thú cưng,… ra đời để đáp ứng được văn hóa cà phê mới của người Việt.

Văn hóa cà phê của người Việt những năm gần đây là văn hóa thưởng thức về cả vị giác lẫn thị giác. Người ta có thể ngồi hàng giờ liền không chỉ để thưởng thức một ly cà phê mà còn để tận hưởng không gian của quán. Giá tiền một ly cà phê hay một món nước bất kì do đó cũng bao gồm cả tiền nguyên liệu và chi phí phục vụ.

Người Việt bắt đầu thưởng thức cà phê một cách cầu kỳ hơn.

Nhiều loại cà phê nổi tiếng thế giới du nhập vào Việt Nam như Espresso, Cappuchino, Latte,… Nếu như trước đây, ai cũng có thể dễ dàng pha một ly cà phê truyền thống thì nay pha cà phê là cả một nghệ thuật. Không chỉ chiêm ngưỡng không gian quán cà phê, khách hàng còn muốn xem tạo hình độc đáo của một ly cà phê.

Những ly cà phê với lớp bọt sữa có hoa văn bắt mắt khiến người ta không nỡ uống đều đòi hỏi người pha chế thành thạo kỹ thuật sử dụng máy pha cà phê, các kỹ thuật tạo hình trên ly cà phê. Khái niệm ngon với văn hóa thưởng thức mới ngày nay là không chỉ ngon về chất mà hình thức trình bày nhìn cũng phải thấy “ngon”!

Cà phê hiện đại không chỉ ngon mà còn phải đẹp mắt

Có thể nói đó chính là lý do vì sao nói văn hóa cà phê của người Việt ngày nay là văn hóa thưởng thức trong cả vị giác lẫn thị giác.

Không ai có thể lý giải được từ lúc nào cà phê lại khiến bao nhiều mê đắm đến vậy. Phải chăng do thứ thức uống đen nâu ấy làm con người ta tỉnh táo hơn, suy nghĩ được nhiều việc hơn? Hay chăng là do những ngày mới xuất hiện, khoảnh khắc chờ từng giọt cà phê rời khỏi phin rơi xuống ly khiến người ta cảm nhận được vị thời gian và giá trị của sự chờ đợi. Dù văn hóa thưởng thức cà phê có nhiều thay đổi theo sự phát triển từng ngày của xã hội nhưng hững ly cà phê đậm, đắng, thơm ngậy,… luôn là thức uống chưa bao giờ đánh mất vị trí của mình trong lòng những tín đồ cà phê Việt.