Mục lục
Khi nhắc đến Đà Lạt, hầu hết du khách sẽ hình dung về một thành phố cao nguyên thơ mộng hoặc một thiên đường của du lịch nghỉ dưỡng. Ít ai biết rằng Đà Lạt còn là nơi lưu trữ nhiều giá trị văn hóa lịch sử của đất nước.
Cụ thể, năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt là Di tích quốc gia, từ đó đẩy mạnh việc phổ biến thông tin cũng như các hoạt động tham quan để nâng cao nhận thức của du khách về di tích lịch sử đặc biệt này.
1 - Giờ mở cửa, giá vé Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt
Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt mở cửa cho khách tham quan từ 7:15 sáng đến 5 giờ chiều, có nghỉ trưa 2 tiếng từ 11:30. Giá vé được cập nhật gần nhất năm 2023 là 15,000 VNĐ/ lượt.
Sau khi được công nhận Di tích Quốc gia, Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được bàn giao cho Bảo tàng Lâm Đồng để đưa vào phục vụ khách tham quan, giúp lan tỏa tinh thần yêu nước và những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc đến các thế hệ mai sau.
Công trình được trùng tu với số vốn 24,795 tỷ đồng nhằm tái hiện lại chính xác hệ thống phòng giam, xà lim..cũng như các mô hình sự kiện tiêu biểu. Sau 5 năm tu sửa, Nhà lao thiếu nhi chính thức mở cửa cho khách tham quan tự do vào giữa năm 2016. Đến nay, Di tích là địa chỉ đỏ cho các đoàn học sinh, sinh viên có cơ hội tìm hiểu lịch sử đấu tranh cách mạng của thiếu nhi thế hệ trước trong giai đoạn lịch sử cam go của dân tộc.
- Giờ mở cửa: 7:15-11:30, 13:30-17:00
- Giá vé: 15,000 VNĐ/ người
- Điện thoại: 0263 3577 234
>> Tìm hiểu quán ăn ngon gần trung tâm Đà Lạt cho khách đoàn sang trọng lịch sự
2 - Chỉ đường tới Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt
Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt có địa chỉ số 9A đường Hồ Xuân Hương, phường 9, Thành phố Đà Lạt. Công trình được xây dựng trên ngọn đồi Chi Lăng gần công viên hồ Than Thở, hướng về đỉnh núi Langbiang hùng vĩ. Nhà lao được chế độ cũ đặt tên “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” nhằm che mắt dư luận, nhưng thực chất là nơi cách ly, giam giữ, đàn áp tiến tới thủ tiêu tinh thần cách mạng của các thế hệ trẻ địa phương thời bấy giờ.
Để đi đến Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt với điểm xuất phát từ trung tâm thành phố, du khách men theo đường Trần Quốc Toản, rồi đi thẳng đường Yersin đến đường Quang Trung, sau đó đi tiếp Quốc lộ 27C đến đoạn đường Hồ Xuân Hương.
Gần phòng khám BS Võ Ngọc Điểu thì du khách rẽ phải vào Con đường hoa đào, đi khoảng 100m nữa sẽ thấy Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt ở phía bên tay phải.
3 - Vì sao nói Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt là nhà tù độc nhất vô nhị trên thế giới?
Trong thời kỳ chiến tranh gian khổ, các chiến sĩ cách mạng đã phải chứng kiến và trải nghiệm nhiều địa ngục trần gian dưới sự tra tấn dã man của kẻ thù. Cần phải khẳng định, không có sự nhân đạo trong những nhà tù của thực dân, đế quốc. Nhà lao thiếu nhi được gọi là nhà tù độc nhất vô nhị trên thế giới không phải bởi sự khác biệt trong chế độ đàn áp của địch, mà để nhấn mạnh độ tuổi đặc biệt cùng tinh thần đấu tranh quật cường của các tù nhân ở nơi đây.
Âm mưu của kẻ địch
Thành lập vào năm 1971 dưới cái tên mỹ miều “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” và được chỉ huy trực tiếp bởi Tổng nha cảnh sát Sài Gòn, chế độ cũ âm mưu đánh lừa công luận giữa phong trào đấu tranh tiến bộ ở trong và ngoài nước. Bên ngoài, chúng thực hiện chính sách mị dân, cho các tù nhân trẻ tuổi mặc đồng phục, chào cờ và hát quốc ca Việt Nam cộng hòa, sinh hoạt tôn giáo, học tập chính trị…như một trung tâm giáo dục thông thường.
Thực chất, chúng giam giữ hơn 600 thiếu nhi trong độ tuổi từ 12 đến 17, tập hợp từ khắp các nhà lao ở miền Nam để tiện cô lập các chiến sĩ nhỏ tuổi khỏi môi trường hoạt động của các thế hệ đàn anh, cũng như thực hiện nhồi sọ tư tưởng chống đối cách mạng, hoặc ít nhất thủ tiêu tinh thần đấu tranh của các tù nhân chính trị nhỏ tuổi.
Đấu tranh vạch mặt tội ác
Theo lời các cực tù của Nhà lao thiếu nhi, ngay khi bị chuyển về từ các nhà lao khác trong khu vực, các chiến sĩ tuổi đã thành lập bộ phận chỉ huy thống nhất gồm đại diện ba nhóm nhà lao chính, là nhà tù Côn Đảo, nhà tù Chí Hòa và các nhà tù ở miền Trung.
Kế hoạch đấu tranh chống nhồi sọ, chống đánh đập, đòi dân sinh dân chủ…đã được vạch ra từ những ngày đầu tập hợp, trong đó các chiến sĩ thiếu nhi chia làm hai nhóm chính: một nhóm đấu tranh trực diện, công khai đối đầu, nhóm còn lại đợi lệnh chỉ đạo bí mật.
Nắm bắt được âm mưu mị dân của địch, các tù nhân nhỏ tuổi xác định phải thực hiện ngay việc phản đối chào cờ và hát quốc ca Việt Nam cộng hòa để giữ vững khí tiết. Tức giận trước sự bướng bỉnh của các chiến sĩ, cai ngục liên tiếp tấn công tù nhân và bắt buộc nhóm năm người một để điểm danh.
Sau khi các tù nhân đánh trả dữ dội, địch đẩy các chiến sĩ nhỏ tuổi xuống xà lim rồi đề nghị cử đại diện đến làm việc, thực chất để tìm người đứng đầu nhằm đàn áp khủng bố. Đúng như dự đoán, ngay khi hai đại diện trẻ tuổi rời xà lim, bọn cai ngục đã dùng gậy tấn công các anh, gây thương tích nặng nề.
Thực hiện rất nhiều cuộc tấn công đàn áp nhưng không thành, địch dã tâm biến các chiến sĩ thiếu nhi còn lại (khoảng 560 người) thành những can phạm hình sự để dễ bề xử lý. Chúng bắt các tù nhân chụp ảnh và lăn tay, và làm sai lệch hồ sơ. Biết được âm mưu thâm độc của kẻ thù, các chiến sĩ nhỏ tuổi chống trả quyết liệt.
Các nhóm tù nhân tự chuẩn bị vũ khí từ dao rựa, cuốc xẻng, đun nước sôi…nhằm chống đối kế hoạch lăn tay chụp ảnh, sẵn sàng đánh trả khi bị tấn công. Cuộc đấu tranh lên tới đỉnh điểm khi các chiến sĩ thành công hạ lá cờ ba que xuống đất, khống chế, kiểm soát nhà tù, đồng thời dùng loa phát thanh kêu gọi người dân quanh vùng cùng đứng lên ủng hộ đấu tranh cách mạng.
Kẻ thù chịu khuất phục
Cho đến khi nghe được loa kêu gọi từ bên trong nhà lao, những hộ dân xung quanh mới biết thực chất cái Trung tâm giáo huấn kia cũng là một nhà tù trá hình, độc ác hơn là toàn bộ tù nhân đều đang ở tuổi thiếu nhi.
Sau hơn 10 giờ đồng hồ đấu tranh, địch buộc phải ngồi lại thương lượng và chấp nhận yêu sách của các chiến sĩ trẻ tuổi.
Từ cuộc đấu tranh gan dạ, bất khuất của các tù nhân cách mạng nhỏ tuổi, địch xác định không thể thực hiện kế hoạch nhồi sọ với thiếu nhi miền Nam. Chúng buộc phải giải tán nhà lao vào giữa năm 1973, kết thúc 3 năm hoạt động của một địa ngục trần gian ngay tại cao nguyên thơ mộng.
Tuy 3 năm không phải là khoảng thời gian quá dài nhưng thực sự từng giờ, từng phút bị giam giữ tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đều là những khoảnh khắc ám ảnh với các cựu tù nơi đây. Trước khi cuộc đấu tranh chống lăn tay chụp ảnh giả hồ sơ diễn ra thắng lợi vào tháng 2 năm 1973, các chiến sĩ nhỏ tuổi đã phải chịu biết bao cực hình gian khổ. Họ bị nhốt trong các xà lim lạnh ngắt nền xi măng, bị hành hạ bằng roi điện, dây kẽm gai, bị dội nước lạnh hằng đêm khi nhiệt độ Đà Lạt xuống dưới 15 độ C.
Các chiến sĩ cũng đã tổ chức 7 lần vượt ngục, đặc biệt 3 đồng chí đã thực hiện kế hoạch tự mổ bụng gây chấn động ngay tại sân chào cờ để phản đối kế hoạch mị dân, và thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường.
Tất cả những hành động gan dạ, bất khuất ấy chỉ có thể được giải thích bằng lòng yêu nước và tinh thần cách mạng. Với những thế hệ trẻ sống trong thời bình, có lẽ không một ai có thể tưởng tượng được những đau khổ mà kẻ thù đã gieo rắc lên các thế hệ thiếu nhi trong cuộc chiến tranh chỉ vài thập kỷ về trước. Việc tham quan Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, được xem các phân cảnh tái hiện cuộc sống trong tù, được nghe thuyết minh về những lần đấu tranh quật cường của cha ông, có thể coi là tấm vé du hành ngược thời gian để thế hệ trẻ hiện tại hiểu hơn về một thời kỳ oanh liệt của lịch sử nước nhà.
4 - Lời kết
Đà Lạt không chỉ có những câu chuyện tình buồn bên đồi thông hai mộ, cũng không chỉ có những thắng cảnh thơ mộng ven hồ Xuân Hương. Đà Lạt còn có những chứng nhân lịch sử giá trị, nhắc nhở thế hệ chúng ta biết ơn cuộc sống yên bình hiện tại. Nếu có dịp ghé thành phố ngàn hoa, mong du khách dành thời gian tham quan Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt một lần để cùng “về nguồn” và trân quý cuộc sống này hơn nữa.
Đội ngũ TASTY Đà Lạt - tổ hợp dịch vụ cafe nhà hàng trên tầng thượng chợ Đà Lạt, rất mong được đón tiếp quý khách sau ngày dài tham quan du lịch. Kính chúc quý khách một chuyến đi nhiều trải nghiệm và niềm vui tại xứ sở sương mờ!
>>> Xem thêm: Ăn lẩu gì ở Đà Lạt? Xếp hạng 5 món lẩu ngon nhất xứ cao nguyên