Top 5 thác nước đẹp ở Đà Lạt
Bên cạnh những khu rừng thông, hồ nước nổi tiếng thì thác ở Đà Lạt cũng là điểm đến du lịch yêu thích của các du khách gần xa. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xây dựng, dịch vụ, các thác nước ở Đà Lạt cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều của việc khai thác quá mức, điển hình như khu vực thác Cam Ly nay đã không còn vẻ trong lành như thủa ban đầu.
Để giúp quý khách dễ lựa chọn được điểm tham quan phù hợp, TASTY xin giới thiệu một số thác nước đẹp ở Đà Lạt hoặc các huyện lân cận vẫn còn lưu giữ được vẻ hoang sơ, hùng vĩ cùng cảnh quan núi rừng thơ mộng của cao nguyên Lâm Viên.
1 - Thác Pongour
- Địa chỉ: Tân Nghĩa, Ninh Gia, Đức Trọng, Lâm Đồng
- Giờ mở cửa: 6:00 - 17:00
- Giá vé: 20 000 VNĐ/ người
- Hotline: 02633 675 202
- Chỉ dẫn Google Maps tới Thác Pongour
Tuy nằm cách khá xa trung tâm thành phố (khoảng 46km) nhưng thác Pongour xứng đáng là thác nước đẹp nhất Đà Lạt mà mọi du khách nên ghé thăm khi tới du lịch xứ sở sương mù. Đặc biệt, các khách đi từ phía thành phố Hồ Chí Minh có thể kết hợp tham quan thác Pongour trước trên cung đường di chuyển tới thành phố ngàn hoa.
Theo nhiều tài liệu, vùng đất xung quanh thác Pongour rất giàu khoáng sản cao lanh, hay còn gọi là đất sét trắng, nên người dân đã đặt tên ngọn thác theo phiên âm tiếng K’Ho của Pon-gou có nghĩa là “ông chủ vùng đất sét trắng.”
Sau này, thác Pongour còn có tên gọi mỹ miều Nam Thiên Đệ Nhất Thác (thác nước hùng vĩ nhất trời Nam) do vua Bảo Đại phong tặng khi đến đây tham quan vào thế kỷ 20. Không chỉ vậy, thác còn từng được người Pháp nhận định là thác nước hùng vĩ nhất xứ Đông Dương.
Đối với người dân địa phương, thác Pongour thường được nhắc đến là thác 7 tầng do có 7 tầng đá hình bậc thang tính từ đỉnh thác với tổng chiều cao khoảng 40m, rộng hơn 100m. Chính cấu trúc độc đáo này đã giúp thác Pongour nổi bật hơn tất thảy các thác ở Đà Lạt, đồng thời làm choáng ngợp bất cứ du khách nào ghé thăm.
Thác Pongour nằm trên dòng sông Đa Nhim hùng vĩ, được bao quanh bởi hệ thống rừng nguyên sinh rộng hơn 2,5 hecta cùng thảm thực vật cao nguyên phong phú. Bên dưới dòng thác tung bọt trắng xóa là khu vực hạ lưu rộng mênh mông, bao gồm nhiều tạo hình đá nhấp nhô, đa dạng, trông rất lạ mắt.
Sau khi đập thủy điện Đại Ninh được xây dựng, dòng chảy của thác Pongour phần nào bị tiết chế, nhưng vẻ đẹp hoang sơ kì vĩ của tuyệt tác thiên nhiên này vẫn không hề thuyên giảm. Ngồi dưới chân thác ngắm khung cảnh bình yên của thiên nhiên, nghe tiếng nước chảy rì rào cùng tiếng chim hót ríu rít vang vọng khắp núi rừng, du khách có thể tạm quên đi những gánh nặng ngoài kia.
Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên Tiêu rằm tháng giêng, ban quản lý và người dân địa phương có tổ chức lễ hội thác Pongour với nhiều hoạt động hấp dẫn. Các du khách gần xa vừa có thể về với thiên nhiên trong lành, lại vừa được đắm mình trong không gian văn hóa của người dân bản địa thân thương.
2 - Thác Voi
- Địa chỉ: Nam Ban, Lâm Hà, Lâm Đồng
- Giờ mở cửa: 8:00 - 17:00
- Giá vé: 20 000 VNĐ/ người
- Chỉ dẫn Google Maps tới Thác Voi
Là một trong những thác nước lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, thác Voi vẫn lưu giữ được vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên kì vĩ. Ngọn thác cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 25km, lại gần chùa Linh Ẩn Đà Lạt thơ mộng, nên được nhiều du khách lựa chọn để tham quan trải nghiệm, mặc dù đường vào thác còn khá khó khăn, phải đi qua nhiều đường mòn và bụi rậm.
Thác Voi, tên ban đầu là Liêng Rơwoa, cao hơn 30m và rộng khoảng 40m. Dòng thác chảy mạnh, tiếng nước chảy âm vang như tiếng voi rừng đang gầm rú. Cũng chính vì điểm giống nhau này mà thác được gọi ngắn gọn là thác Voi.
Năm 2001, thác Voi được công nhận là di tích thắng cảnh quốc gia. Từ đó đến nay, đây là điểm du lịch nổi tiếng của Đà Lạt và Lâm Đồng nói chung, nhưng vẫn giữ được khung cảnh hoang sơ vốn có. Bên dưới chân thác, những phiến đá khổng lồ phủ đầy rêu và cỏ dại, nằm xếp chồng lên nhau như đàn voi đang đầm mình tắm mát.
Bên trong thác Voi còn có một hang động huyền bí chờ những du khách đam mê thám hiểm, được gọi là Hang Dơi. Lối vào hang bị những rễ cây cổ thụ và dây leo đan chằng chịt che đi một phần, lại càng tăng thêm độ bí ẩn. Hang sâu khoảng 50m, chứa nhiều phiến đá màu sắc bắt mắt, lấp lánh mỗi khi bắt gặp ánh mặt trời xuyên qua lòng hang.
Trên đường đi thác Voi, du khách có thể kết hợp ghé thăm nhiều điểm du lịch nổi tiếng khu vực đèo Tà Nung như làng hoa Vạn Thành, The Florest vườn hoa lớn nhất Đà Lạt hay chùa Linh Ẩn. Quý khách chú ý xem dự báo thời tiết để tránh trời mưa, đường vào thác dễ sình lầy và gây nguy hiểm.
3 - Thác Datanla
- Địa chỉ: Quốc lộ 20, đèo Prenn, phường 3, TP Đà Lạt
- Giờ mở cửa: 7:00 - 17:00
- Giá vé: 50 000 VNĐ/ người
- Chỉ dẫn Google Maps tới Thác Datanla
So với các thác ở Đà Lạt khác thì thác Datanla có dòng chảy khá êm và ổn định do lượng nước đổ về dồi dào, lại chảy qua nhiều thềm đá. Nơi đây cũng được khai thác du lịch hợp lý nên vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng bao quanh.
Đặc biệt, nhắc đến thác Datanla, du khách thường nghĩ ngay đến hệ thống máng trượt xuyên rừng dài nhất Đông Nam Á chạy vòng quanh khu vực này. Nếu là người ưa mạo hiểm, quý khách cũng có thể tham gia nhiều trò chơi giải trí thú vị khác nhằm khám phá thiên nhiên xung quanh thác Datanla. Tuy nhiên, du khách lưu ý giá vé trò chơi không bao gồm trong giá vé tham quan, và luôn sử dụng thiết bị an toàn tiêu chuẩn khi tham gia bất cứ trò chơi nào tại đây.
Thác Datanla nằm giữa đèo Prenn thuộc địa phận phường 3, thành phố Đà Lạt, nên rất dễ di chuyển. Đây cũng là thác nước đẹp ở Đà Lạt gần trung tâm nhất cho du khách trải nghiệm. Mùa cao điểm của khu du lịch này diễn ra từ tháng 11 đến khoảng tháng 4 năm sau do trùng với mùa khô, tiết trời nắng ráo, dễ chịu.
Thác có chiều cao khoảng 20m, phía dưới có suối nước khá trong được gọi là Suối Tiên. Thác còn có một vực sâu hun hút, tên là Vực Tử Thần. Nơi đây gắn liền với nhiều truyền thuyết và sự kiện lâu đời của dân tộc K’Ho và người Chăm trong suốt chiều dài lịch sử.
4 - Thác Đamb’ri
- Địa chỉ: Đamb’ri, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng
- Giờ mở cửa: 6:00 - 17:00
- Giá vé: 250 000 VNĐ/ người
- Chỉ dẫn Google Maps tới Thác Đamb'ri
Thác Đamb’ri (hoặc Đa M’bri) thuộc địa phận thành phố Bảo Lộc, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 130km. Thác có chiều cao hơn 60m với dòng chảy mạnh mẽ, nước tung bọt trắng xóa, đổ ào ào, tạo nên khung cảnh hùng vĩ giữa khu rừng nguyên sinh đúng chất cao nguyên đại ngàn.
Hiện nay, thác được quy hoạch trong khu du lịch sinh thái Đamb’ri, bao gồm các dịch vụ lưu trú và vui chơi giải trí, nên càng được nhiều du khách lựa chọn làm điểm tham quan nghỉ dưỡng mỗi khi về với Lâm Đồng. Giá vé khá cao nhưng đã bao gồm vé thang máy khứ hồi, vé đu quay và các trò chơi trong khu du lịch.
Theo truyền thuyết của người dân tộc K’Ho, xưa kia có đôi trai gái yêu nhau thắm thiết và thường hẹn hò tại vị trí thác Đamb’ri hiện tại. Bỗng một ngày, chàng trai biến mất không dấu tích, để mặc cô gái khóc mãi trong đợi chờ. Nước mắt cô đọng lại tạo thành dòng thác lớn, dân trong vùng đặt tên thác là Đamb’ri, trong tiếng K’Ho có nghĩa là “Đợi chờ.”
Thác Đamb’ri là thác nước cao lớn nhất Lâm Đồng, là một tuyệt tác của tự nhiên. Khi nhìn từ trên cao, dòng thác tung bọt trắng xóa, nổi bật giữa rừng già xanh thăm thẳm. Đứng từ dưới chân thác nhìn lên, du khách có thể cảm nhận sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên đại ngàn.
Có hai cách di chuyển từ chân lên đỉnh thác, đó là đi thang máy hoặc leo bộ 138 bậc thang men theo sườn núi. Chiếc thang máy cao 50m được xây dựng ngay cạnh thác nước, giúp du khách ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của dòng thác Đamb’ri. Đặc biệt khi nắng mặt trời chiếu soi vào dòng nước đang cuồn cuộn đổ, cảnh tượng lấp lánh đầy màu sắc huyền ảo có thể làm xiêu lòng bất cứ ai.
5 - Thác Hang Cọp
- Địa chỉ: Túy Sơn, Xuân Thọ, TP Đà Lạt
- Giờ mở cửa: 24/24
- Giá vé: 10 000 VNĐ/ người
- Chỉ dẫn Google Maps tới Thác Hang Cọp
Trong số các thác ở Đà Lạt, thác Hang Cọp có lẽ ít được biết tới hơn cả. Nhưng cũng chính vì lí do này mà thác chưa bị khai phá và còn lưu giữ vẹn nguyên vẻ đẹp hoang sơ giữa rừng già.
Theo truyền thuyết địa phương của dân tộc Chi’ll, xưa kia khu rừng này có một con cọp vô cùng hung dữ thường sống trong cái hang gần thác nước. Dân trong vùng khiếp sợ không dám lại gần. Có chàng trai nọ xung phong đi diệt cọp, tìm ròng rã một tháng trời mới bắt gặp con thú dữ ở bìa rừng. Chàng dương nỏ bắn cọp, làm nó khiếp sợ và quằn quại gầm rú suốt mấy ngày trời. Từ đó về sau, dân làng không còn nhìn thấy con cọp ấy nữa.
Để ghi nhớ công lao của chàng dũng sĩ mà dân địa phương đã tạc tượng người anh hùng Chi’ll gần thác nước, đồng thời lấy tên Hang Cọp đặt cho địa danh đặc biệt này.
Thác Hang Cọp, hay còn gọi là thác Đạ Sar, thác Ông Thuận, thác Thiên Thai hoặc thác Long Nhân, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 15km và ở xa khu dân cư, ít người qua lại. Con thác cao hơn 25m, chảy réo rắt giữa rừng thông già, trải dài hơn 500m với làn nước trong vắt, mát lạnh. Để tới được thác Hang Cọp, du khách sẽ phải băng qua hơn 5km đường đất quanh co, chằng chịt rễ cây rừng, rồi lội qua một con suối nhỏ.
Đứng dưới chân thác, du khách có thể chiêm ngưỡng cột nước trắng xóa dội ào ào xuống hố nước sâu, tiếng nước đập vào vách đá vang vọng như tiếng cọp gầm. Mùa mưa, nước đổ về nhiều, thác lại càng hùng vĩ, cuồn cuộn khói nước.
Giống như nhiều thác nước đẹp ở Đà Lạt, thác Hang Cọp cũng có một hang đá tự nhiên nằm ngay bên cạnh chân thác. Hang rộng chừng hai gian nhà, có hai lối ra vào phía trước và phía sau. Xung quanh thác là khu rừng thông già rộng hàng trăm hecta, là nơi sinh sống của một làng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nếu có dịp tham quan thác Hang Cọp, du khách cũng có thể leo ngược lên đồi thông để giao lưu và trải nghiệm các phong tục tập quán của người đồng bào nơi đây.
>>> Tham khảo: Tọa độ 20 địa điểm check in Đà Lạt đẹp nhất 2023
Lưu ý khi đi tham quan các thác ở Đà Lạt
Do tính chất địa hình gần khu vực thác nước có phần đặc biệt, lại thêm đặc trưng thời tiết của miền cao nguyên nên du khách cần lưu ý những điểm sau khi đi tham quan các thác nước ở Đà Lạt.
- Tìm hiểu kỹ đường đi đến thác, bao gồm phần đường có thể di chuyển bằng xe và phần đường rừng phải đi bộ. Các cung đường đèo ở Đà Lạt gồm nhiều khúc cua nguy hiểm nên nếu không vững tay lái hoặc chưa quen lái xe trên đèo thì du khách nên thuê xe đi cho an toàn. Các thác nước phải băng rừng cần có hướng dẫn viên địa phương chỉ dẫn.
- Đà Lạt có hai mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Mùa mưa nước từ đầu nguồn đổ về nhiều nên các thác trông sẽ rất hùng vĩ, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Đường đi vào thác cũng dễ sình lầy hoặc có nguy cơ sạt lở. Vì thế, du khách nên chọn thời điểm tham quan các thác ở Đà Lạt vào mùa khô, tức là từ tháng 11 đến khoảng tháng 4 năm sau.
- Trong quá trình tham quan trải nghiệm ở khu vực thác, du khách cần luôn để mắt tới trẻ em hoặc người già trong đoàn, đồng thời trang bị đầy đủ các biện pháp an toàn theo quy định của khu du lịch. Gần các thác nước ở Đà Lạt thường có nhiều hang hố sâu nguy hiểm, nên du khách tránh lại gần, chỉ nên đứng từ xa ngắm cảnh.
- Tất cả các dịch vụ bên trong khu du lịch của thác nước đều có giá vé riêng. Du khách chú ý hỏi giá trước khi sử dụng và luôn thảo luận với người bán trước khi mua đồ lưu niệm để tránh bị nói thách.
- Để hoạt động thoải mái trong chuyến tham quan, du khách nên lựa chọn các trang phục thể thao rộng rãi, dài kín chân và tay để tránh côn trùng, kết hợp giày đi bộ hoặc ủng đi rừng. Những du khách không quen đi bộ không nên đến các điểm thác ở xa, giữa rừng như thác Hang Cọp hoặc Thác Voi.
Sau ngày dài tham quan các thác ở Đà Lạt và cần tìm chỗ nghỉ ngơi, dùng bữa gần trung tâm thành phố, kính mời quý khách ghé tổ hợp cafe-nhà hàng TASTY trên nóc chợ Đà Lạt để thưởng thức đặc sản phố núi trong không gian sang trọng, lịch sự. Toàn bộ thực đơn đồ uống và món ăn đã được TASTY niêm yết giá công khai trên trang web tastydalat.com.vn.
Rất mong được đón tiếp quý khách một ngày gần nhất tại TASTY Đà Lạt - tổ hợp dịch vụ lớn nhất thành phố ngàn hoa!
>>> Xem thêm: Nhà hàng sang trọng ở Đà Lạt chuẩn 5 sao, view ngắm Đà Lạt 360 độ từ trên cao